Trong cuộc sống hiện tại đã tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các bệnh lý tâm thần. Đại dịch COVID-19 như là một sang chấn thúc đẩy bệnh lý tâm thần diễn ra nhanh hơn, trầm trọng hơn.
“Lo lắng”, “căng thẳng”, “bất lực”, “cô độc”, “áp lực gia tăng” là những cụm từ ngày càng được nhắc tới nhiều hơn khi đại dịch COVID-19 kéo dài. Không chỉ trực tiếp cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, dịch COVID-19 còn gây ra những vết sẹo lớn về tinh thần với nhiều người trong suốt gần 2 năm qua.
Theo GS. TS. BS. Cao Tiến Đức – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103: COVID-19 là một sang chấn nghiêm trọng tác động đến tâm lý con người khiến người ta dễ mắc các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn tress sau sang chấn.
Có nhiều yếu tố tác động khiến bệnh nhân tâm thần gia tăng và trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch COVID-19.
1- COVID-19 gây tổn thương não:Theo nhiều nghiên cứu ở Mỹ, 30% bệnh nhân mắc COVID-19 có các di chứng về tâm thần sau khi khỏi bệnh. Mắc COVID-19 thể càng nặng các rối loạn tâm thần càng tăng. Một số trường hợp mắc COVID-19 có biểu hiện giảm trí nhớ, một số ảnh hưởng đến trí tuệ như sa sút trí tuệ, mức độ không nặng nhưng cũng có nhiều bất lợi. Các tác động trực tiếp của bệnh lý này đối với cơ thể là gây tổn thương phổi, đường hô hấp, các cơ quan khác trong đó có não cũng bị tổn thương.
2- COVID-19 gây lo âu, sợ hãi, căng thẳng: Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đối với người bệnh cũng như đối với cộng đồng là gây tâm lý lo lắng, sợ hãi rằng mình có thể bị mắc bệnh, khi mắc bệnh nặng có nguy cơ tử vong, nhất là ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính… Những trẻ em đi cách ly, không được gần bố mẹ; những người trong gia đình mắc bệnh; sự kỳ thị của mọi người đối với những gia đình có người mắc; hay trường hợp những người bị mất mát người thân vì dịch bệnh … Đó là những chấn thương tâm lý rất nghiêm trọng.
3- Giãn cách xã hội ảnh hưởng tới kinh tế xã hội: Dịch bệnh COVID-19 khiến hầu như các ngành nghề sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ. Các cửa hàng buôn bán nhỏ đóng cửa, doanh nghiệp ngừng sản xuất do công nhân nhà máy nhiễm bệnh. Người buôn bán nhỏ mất việc do giãn cách xã hội. Người nông dân sản xuất ra hàng hóa không thu hoạch được tổn thất về mặt kinh tế. Vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn đóng cửa… Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nỗi lo về cơm áo gạo tiền đè nặng khiến tâm lý của những người trưởng thành bị ảnh hưởng nặng nề.
4- Việc cách ly tại nhà không được giao tiếp với nhiều người xung quanh, khiến mọi người khó chịu, bức xúc vì không được thư giãn, sự căng thẳng, u uất kéo dài cũng là nguyên nhân khiến stress, lo âu, trầm cảm, mất ngủ gia tăng.
Trầm cảm gia tăng
Trong những rối loạn tâm lý thường gặp giai đoạn dịch bệnh virus, thì trầm cảm là một trong những tình trạng gặp phải nhiều nhất.
Cụ thể, người bệnh thường có tâm trạng buồn bã, không có động lực, giảm hứng thú trong mọi việc, kể cả những hoạt động nằm trong sở thích trước đây. Các triệu chứng trầm cảm (hoặc làm bài test trầm cảm tại đây):
- Bi quan về đại dịch COVID-19 nói chung, về số phận của mình nói riêng
- Cảm giác buồn bã hay bất hạnh
- Khó chịu hay thất vọng, ngay cả đối với những việc nhỏ
- Mất quan tâm hay niềm vui trong các hoạt động bình thường
- Giảm ham muốn tình dục
- Mất ngủ
- Dễ kích động hoặc bồn chồn
- Suy nghĩ, hoạt động chậm chạp hơn trước đây
- Mệt mỏi và mất năng lượng,
- Cảm xúc vô dụng hay tội lỗi, hoặc đổ lỗi cho chính mình khi mọi thứ không đúng
- Suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử
- Khóc không có lý do rõ ràng…
Cảnh báo của chuyên gia
Như vậy, theo GS. Cao Tiến Đức, đại dịch COVID-19 là một sang chấn, sang chấn đó vừa gây tổn thương cơ thể vừa gây tổn thương về tinh thần nghiêm trọng dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tâm thần rất lớn. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo phải chú ý hơn về mặt sức khỏe tâm thần người dân, không chỉ đối với người già, người trưởng thành mà đối với trẻ em và vị thành niên nguy cơ rối loạn tâm thần cũng rất cao.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, một trạng thái sức khỏe tinh thần tốt là nền tảng cơ bản để có một sức khỏe tổng thể ổn định và cuộc sống khỏe mạnh. Các vấn đề về tâm thần, đặc biệt nếu kéo dài, sẽ có tác động nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, chức năng hoạt động hằng ngày và sức khỏe thể chất. Vì vậy, nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, nhóm người trẻ tuổi không được hỗ trợ kịp thời để phát hiện và ngăn chặn tình trạng diễn biến xấu đi thì tác động tới tương lai của mỗi quốc gia được cho là sẽ không hề nhỏ.
Chống dịch như chống giặc, sẽ có những tổn thất về mặt tinh thần, sức khỏe. Tuy nhiên, các chuyên gia cùng khuyên không nên quá lo lắng và luôn giữ được trạng thái tinh thần tốt nhất khi đối diện với đại dịch. Việc lúc này chúng ta cần làm quan trọng nhất lúc này là tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch để tự bảo vệ cho mình và cho cộng đồng. Rèn luyện sức khỏe, tập thể dục, ăn uống lành mạnh, chọn lựa thông tin, tăng hoạt động có ích… để có tâm lý tốt, tăng sức đề kháng với bệnh tật.
Nguồn: Tổng hợp.